Sửa thuế ôtô: Xe sang tăng giá, xe nhỏ giảm giá sâu
Xe ôtô sang dung tích trên 3.0 lít sẽ chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao nhất là 75%, tăng 15% so với hiện hành. Ngược lại, những loại xe nhỏ chỉ dưới 1.5 lít sẽ được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xuống 15% hoặc 20%. Đây là nội dung đáng chú ý trong dự thảo mới nhất về sửa đổi Luật sửa đổi các điều liên quan đến Luật thuế.
Tăng kịch trần trong 1 năm
Bộ Tài chính vừa công bố Dự thảo mới nhất về sửa đổi Luật sửa đổi các điều liên quan đến Luật thuế. Trong đó, mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi có sự điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt mạnh nhất.
Theo đó, Bộ này đã đưa ra nhiều phương án phân chia nhóm mặt hàng ô tô theo dung tích xe với lộ trình thời gian có tăng và có giảm thuế khác nhau.
Ô tô sang trên 3.0 sẽ tăng giá mạnh.
Cụ thể, với các loại xe ô tô từ 1.500 cm3 trở xuống, Bộ này chia làm 2 phương án.
Theo phương án 1, nhóm xe này chia làm 2 nhóm nhỏ để áp thuế. Xe có dung tích từ 1.000 cm3 trở xuống được hưởng mức thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ có 25%, giảm tới 20% so với hiện hành từ ngày 1/7/2016 và sau đó, hạ tiếp thuế suất còn 20%, giảm 25% so với hiện hành từ 1/1/2018.
Loại xe trên 1.000 cm3 đến 1.500 cm3 áp dụng thuế suất 30%, giảm 15% so với hiện hành kể từ ngày 1/7/2016 và áp thuế suất 25%, giảm 20% so với hiện hành từ ngày 1/1/2018.
Theo phương án 2, hai nhóm xe trên gộp thành 1 nhóm là tất cả các loại xe có dung tích từ 1.500 cm3 trở xuống thì hưởng thuế suất 30%, giảm 15% so với hiện hành.
Đối với các loại ô tô có dung tích trên 1.500 cm3, Bộ Tài chính chia làm 3 nhóm nhỏ.
Trong đó, nhóm thứ nhất, loại xe có dung tích xi lanh từ trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3, áp thuế suất la 40%, giảm 5% so với hiện hành từ ngày 1/7/2016 và từ ngày 1/1/2018 áp dụng thuế suất 30%, giảm 15% so với hiện hành.
Nhóm xe thứ 2 là loại có dung tích xi lanh trên 2.000 cm3 đến 3.000 cm3 áp dụng thuế suất 60%, tăng 10% so với hiện hành từ ngày 1/7/2016. Từ ngày 1/1/2018, mức thuế bắt đầu giảm còn 55%, chỉ tăng 5% so với hiện hành.
Nhóm thứ 3 chịu mức tăng thuế mạnh nhất là loại có dung tích xi lanh từ trên 3.000 cm3, bao gồm cả mô-tô-hôm (motorhome). Cụ thể, từ ngày 1/7/2016, nhóm này áp dụng thuế suất 75% (tăng 15% so với hiện hành), từ ngày 1/01/2018 áp dụng thuế suất 70% (tăng 10% so với hiện hành).
Như vậy, mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt cao nhất chỉ là 75% hay vì mức 195% như một phương án mà Bộ Công Thương từng nghiên cứu cho xe trên 6.0 lít.
Bộ Tài chính cho biết, việc điều chỉnh này theo nguyên tắc mà Thủ tướng đã chỉ đạo tại cuộc họp về chiến lược ngành ô tô hồi tháng 7. Cụ thể, Bộ sẽ chỉ giảm thuế đối với dòng xe ưu tiên phát triển và áp dụng mức thuế cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe đến 9 chỗ có dung tích trên 3,0 lít. Đây là các loại xe tiêu hao nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông và thu nhập người dân Việt Nam, lượng khí thải ra môi trường lớn và các chủng loại xe đến 9 chỗ có giá trị tuyệt đối lớn.
Thuế ôtô Việt Nam cao hơn nhiều nước
Bộ Tài chính cũng cho hay, các phương án thuế trên đều đã được tham khảo kinh nghiệm của các nước, đặt biệt là ở 10 nước ASEAN.
Trong đó, 9/10 nước áp dụng phương thức thu theo tỷ lệ % trên giá trị, riêng Philippines áp dụng phương pháp thu hỗn hợp tỷ lệ % với thuế tuyệt đối.
Để khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, nhìn chung, các nước đều áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB thấp hơn đối với các loại xe có dung tích xi lanh nhỏ. Đặc biệt, ở một số nước còn áp dụng thuế TTĐB ở mức thấp đối với dòng xe tiết kiệm năng lượng, xe sử dụng năng lượng sạch.
Cụ thể, mức thuế suất đối với dòng xe dưới 2000 cc của nhiều nước dao động trong khoảng 15% đến 30%, ngoại trừ một số quốc gia như Malaysia (90%), Lào (65%),…
Ngược lại, mức thuế suất đối với dòng xe trên 3000 cc đặc biệt cao ở hầu hết các nước, ví dụ như ở Indoensia (125%), Lào (90%), Malaysia (105%). Tuy nhiên, cũng có quốc gia không phân biệt mức thuế suất thuế TTĐB giữa các chủng loại xe như Singapore (thống nhất áp dụng thuế suất 20%).
Riêng Philippines thu thuế TTĐB đối với xe ô tô vừa ở mức tuyệt đối và tương đối, trên cơ sở giá bán của nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu, trừ thuế TTĐB và GTGT.
Chẳng hạn, nếu là xe 13.300 USD trở xuống, nước này chỉ thu thuế 2%. Nhưng xe từ 13.300 USD đến 24.500 USD thì thuế tiêu thụ đặc biệt lại tính bằng 267 USD + 20% giá trị vượt quá 13,300 USD.
Theo bảng so sánh tương quan thuế tiêu thụ đặc biệt với các nước ASEAN, có thể thấy, dòng xe dung tích dưới 2.000 cc của Viẹt Nam đang có mức thuế 45% là rất cao, cao hơn 25% so với Indonesia, Brunei, Singapore, cao hơn 10% so với Myamar, cao hơn 15% so với Thái Lan, Campuchia. Mức thuế trên của Việt Nam chỉ thấp hơn Malaysia, Lào.
Với dòng xe từ 2000- 3000cc của Việt Nam, thuế suất đang là 50%, cũng cao hơn 30% so với Campuchia và Singapore, cao hơn 25% so với Myamar, Brunei, cao hơn 10% so với Thái Lan và Indonesia và chỉ thấp hơn Lào và Malaysia.
Trong khi đó với dòng xe tiêu hao nhiều nhiên liệu là xe trên 3.000 cc, mức thuế của Việt Nam lại đang ưu đãi hơn rất nhiều so với các nước ASEAN.
Cụ thể, thuế suất 60% của dòng xe này ở Việt Nam chỉ bằng một nửa so với mức thuế của Indonesia, thấp hơn 45% so với Malaysia, thấp hơn 30% so với Lào và chỉ cao hơn 10% so ứi Thái Lan, cao hơn 25% so với Brunei...
Trung bình 9 nước ASEAN, thuế tiêu thụ đặc biệt ở 3 dòng xe trên lần lượt là 38%, 44% và 59% trong khi ở Việt Nam, cao hơn nhiều khi lần lượt là 45%, 50% và 60%.
Tuy nhiên, khi tính trung bình 4 nước lân cận là Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia, thuế tiêu thụ đặc biệt 3 dòng xe là 40%, 51% và 75% cho thấy, dòng xe trên 3.0 lít ở Việt Nam ở mức thấp nhất, thấp hơn tới 15%, trong khi 2 dòng xe còn lại, đáng lẽ có thể ưu tiên phát tiển thì thuế cũng cao hơn.
Bài viết khác: