0985.878.361

Công nghiệp ô tô Việt Nam: Tan hoang, làm sao lấy lại được đà hồi phục?

Việt Nam vẫn cần phát triển ngành công nghiệp ô tô nhưng chiến lược ấy phải hết sức cụ thể, được tính toán kỹ bởi các nhà chuyên môn. Thất bại ở đâu?
Sự việc Công ty CP ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) phải bán nhà máy sản xuất ô tô ở Mê Linh (Hà Nội) để trả nợ vừa qua được nhiều chuyên gia cho là một minh chứng cho sự thất bại của chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam. Tuy nhiên, Chủ tịch Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ông Yoshihisa Maruta cho rằng, hiện này chưa thể nói chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thất bại mà tiềm năng vẫn còn tương đối lớn.
Cong nghiep oto Viet Nam: Tan hoang, lam sao hoi phuc?
Tiềm năng của thị trường ô tô Việt Nam còn rất lớn
Nhìn lại con đường ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã trải qua, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, về mục tiêu chiến lược, Việt Nam vẫn phải phát triển ngành công nghiệp ô tô bởi đó là cái lõi của nền công nghiệp hoá, cơ khí hoá. Tuy nhiên, nếu xét từng chiến lược cụ thể trong một giai đoạn nhất định, ví dụ chiến lược phát triển công nghiệp ô tô giai đoạn 2001-2010, tầm nhìn đến 2020, thì Việt Nam đã thất bại bởi không đạt được những mục tiêu đề ra.
"Tỷ lệ nội địa hoá không đạt yêu cầu theo kế hoạch, doanh nghiệp ô tô trong nước thì phá sản, phải bán nhà máy đi, doanh nghiệp quốc doanh phải giải tán hết. Phụ tùng, linh kiện, công nghiệp phụ trợ... đều không phát triển được. Thất bại là ở đó. Muốn chiến lược ngành công nghiệp ô tô thành công phải có những doanh nghiệp mạnh, ăn nên làm ra", ông chỉ rõ.
Cũng theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, ngay cả những doanh nghiệp lắp ráp ô tô tại Việt Nam tới đây cũng khó tồn tại bởi những thay đổi về chính sách thuế. Trước đây, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc rất cao, nhưng giờ đây mức thuế này đã giảm và sắp  tới, thuế suất nhập khẩu ô tô sẽ về mức 0% theo cam kết của Việt Nam tại các hiệp định thương mại đã ký.
"Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam theo từng giai đoạn cụ thể rất hay ho, chỉ tiêu cao nhưng không thiết thực, không có chính sách, giải pháp khả thi", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật, Đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là ngành đáng để đầu tư và phát triển, là ngành có nhiều tiềm năng nếu dựa vào nhu cầu của thị trường.
"Tôi không thể nói ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thành công hay thất bại, chỉ biết nó đã loay hoay trong bao nhiêu năm nay, không cạnh tranh lại được với các sản phẩm nước ngoài. Một doanh nghiệp ô tô như Vinaxuki lâm vào tình thế phải bán nhà máy để trả nợ thì người ta hoài nghi về sự thành công là đúng. Muốn biết ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thành công hay thất bại, phải trả lời các câu hỏi: sản phẩm ô tô Việt Nam bao nhiêu phần trăm thị phần, tăng trưởng thế nào theo thời gian; công nghiệp phụ trợ phát triển đến mức độ nào...".
Làm lại khó hơn và bắt đầu từ cái đơn giản nhất

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, bối cảnh thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đã khác trước rất nhiều, khi Việt Nam hội nhập, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có cam kết cắt giảm thuế.

"Nếu Việt Nam muốn làm lại thì phải xác định rằng phát triển ngành công nghiệp ô tô sẽ khó hơn trước rất nhiều và muốn thành công thì phải làm khác trước đây, khả thi hơn, hiện thực hơn và cụ thể hơn. Phải xác định Việt Nam sẽ tập trung vào chủng loại ô tô cụ thể nào, làm toàn bộ ô tô hay từng bộ phận, đầu tư ra sao, theo tiêu chuẩn nào... Tất cả phải được vạch ra cực kỳ chi tiết và được tính toán bởi các nhà chuyên môn".

Còn TS Nguyễn Ngọc Sơn nhìn nhận, Việt Nam phải bắt đầu từ ngành công nghiệp phụ trợ, tập trung nghiên cứu để tạo ra những nguyên liệu mới đủ sức để cạnh tranh hoặc lấy nguyên liệu của nước ngoài, nghiên cứu kỹ cách làm ra nó. Nếu Việt Nam không đi từ cái đơn giản nhất thì dẫu có nói tỷ lệ nội địa hoá bao nhiêu cũng chỉ nhắm đến yếu tố giá mà chưa đánh giá được rào cản tiêu dùng hoặc thói quen tiêu dùng, tâm lý tiêu dùng. Khi đó, không thể nói chiến lược đó là thành công bởi một chiến lươc kinh doanh thành công hay không không phụ thuộc vào sự đánh giá của nhà sản xuất mà từ chính thành quả tiêu dùng.

"Nếu Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô thì phải có rất nhiều yếu tố. Công bằng mà nói giấc mơ của ông chủ Vinaxuki thực sự là giấc mơ đẹp, có tâm huyết nhưng có quá nhiều rào cản và vấn đề đặt ra. Đối với một thị trường đặc biệt như ô tô, có sức cạnh tranh quá lớn, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ nhiều nguồn để xây dựng giấc mơ ô tô.  Nhưng cũng cần có sự năng động của chính doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực đó.

Sức cạnh tranh giữa 1 sản phẩm mang nhãn hiệu nước ngoài được gia công tại Việt Nam có một tỷ lệ % nhất định về hàng nội địa với 1 sản phẩm hoàn toàn nhập khẩu ở một  phân khúc nào đó đã là khó cạnh tranh, huống chi đây là 1 sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Dẫu tỷ lệ nội địa hoá cao, giá rẻ, đánh ở phân khúc dưới nhưng những chiến lược kinh doanh, hậu mãi, độ an toàn... đã đủ tạo ra sức mạnh để cạnh tranh với sản phẩm mang nhãn hiệu nước ngoài hay chưa? Phải có nhiều người tâm huyết đồng lòng hợp tác, từ Nhà nước, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất ô tô, chủ nợ... mới mong cứu được doanh nghiệp ô tô Việt Nam".

Bài viết khác:

Honda Navi - xe tay ga lạ giá 580 USD tại Ấn Độ

'Khủng long chúa' Escalade Platinum gần 6 tỷ đồng ở Việt Nam

Mẹo khắc phục thủng lốp giữa đường

Yamaha YZF-R3 tăng 5 triệu đồng

Bajaj Pulsar RS200 - xe máy Ấn Độ xâm nhập Việt Nam

10 mẫu xe thể thao được trông đợi nhất 2016

Lamborghini Huracan độc nhất Đà Nẵng

Kinh nghiệm mua ôtô cũ

Porsche 718 Boxster - kỷ nguyên mới

Dàn mẫu nóng bỏng tại Bangkok Motorbike Festival 2016

Kỹ năng lái xe đường dài có băng tuyết tại Việt Nam

Bentley Bentayga đến Trung Quốc với giá từ 630.000 USD

Tài xế Việt Nam quá liều khi lái xe đường tuyết

Xế độc Chrysler 300 Touring dài 9 m tại Việt Nam

Camry 2016 Đài Loan đầu tiên về Việt Nam giá hơn 1,2 tỷ